Sinh năm 1974 tại Nam Định, anh MAI XUÂN HIỀN sống tại Hà Nội từ năm 1991 khi bắt đầu vào đại học.
Khi nhỏ, gia đình trồng một số cây được tặng và chúng có ảnh hưởng phần nào tới niềm đam mê của anh sau này. Năm 1992, anh nhịn tiền ăn để mua cây đầu tiên trong đời với giá 120 nghìn – cây BỤT MỌC. Loại cây này có lá nhỏ và đẹp, có thấy trong ao cá bác Hồ và hầu như không xuất hiện trên thị trường. Ban đầu chơi cây, cũng chỉ vít dây chẳng biết làm gì nhưng mà mê.
Thời sinh viên, khi rảnh là lang thang các nhà vườn tại Hà Nội, đến nhìn cây của người khác và say mê thích thú, ví dụ: chú Cường Họa Sĩ, nhà vườn Hải Thịnh, vườn cây ông Thụ – Đại học Y, vườn cây trong khuôn viên đại học Bách Khoa…
Giai đoạn sinh viên năm cuối (khoảng 1994-1995), anh mua những cây đầu tiên trên chợ Bưởi (Hà Nội). Anh vẫn nhớ sau cây BỤT MỌC, thì Cần Thăng và Tùng La Hán là hai cây đầu tiên trong quá trình chơi bonsai. Hai cây này anh vẫn còn giữ tới giờ.
Sau tầm 5-6 năm chơi cây thì mới tự tin cầm kéo cắt. Anh chia sẻ: cảm giác phân vân không biết cành nào giữ, cành nào cắt là giai đoạn mỗi người đều trải qua. Quá trình chơi cây có nhiều nấc, mỗi giai đoạn đều cần thời gian.
Các chủng loại cây anh đang trồng: Sanh, Tùng Cối, Tùng La Hán, Hoa Giấy, Phi Lao, Duối, Cần Thăng, Sam Núi, Tường Vi, Ổi…
Xem anh làm cây cảm thấy anh là người chơi rất kỹ và nghiêm túc khi tác tạo. Anh cho rằng:
Cây phản ánh con người. Người chỉn chu thì nhìn cái cây ấm, chỉn chu từ rễ tới cành. Cắt tù túng thì tâm hồn không khoáng đạt. Lãng mạn phiêu du thì cây bay bổng.
Làm cây học được nhiều thứ, giao lưu nhiều anh em bạn bè. Học được tính kiên trì; khi chưa chơi cây thì kế hoạch vài năm là dài và lâu lắm. Lúc mới chơi rất thích chăm chăm cầm cái kéo và cắt, không cắt thấy khó chịu. Sau này lên kế hoạch chu kỳ cho cây 3-5 năm là bình thường. Đặc biệt nuôi chậu lại càng lâu, vì vậy đòi hỏi sự kiên trì, nuôi mãi mới cắt. Cây mang phần triết lý của con người, tâm tư trong tác phẩm.
Thông tin liên hệ
- Số điện thoại:
- Địa chỉ:
- Facebook: https://www.facebook.com/hienmax